Nhà chí sĩ yêu nước Trần Kỳ Phong

 

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX – những thập niên đầu thế kỉ XX đã có những sĩ phu yêu nước nhiệt thành, tiến bộ, từ lập trTrong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX – những thập niên đầu thế kỉ XX đã có những sĩ phu yêu nước nhiệt thành, tiến bộ, từ lập trường yêu nước phong kiến đã chuyển sang lập trường yêu nước theo chủ nghĩa Mác – Lênin; trong đó có Trần Kỳ Phong, một sĩ phu yêu nước ở Quảng Ngãi.

 


Trần Kỳ Phong sinh năm Nhâm Thân (1872) trong một gia đình nghèo, gốc Minh Hương tại làng Châu Me Đông, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một làng ruộng ít lại khô cằn, nằm sát biển, thiếu nguồn nước tưới. Nhưng chính nơi đây đã nuôi dưỡng Trần Kỳ Phong và để lại ấn tượng khó quên trong thơ văn ông về cảnh “đất cát, hoa còi”, “mít ướt làm mắm, củ mì thay cơm”.

Từ nhỏ Trần Kỳ Phong rất ham học và học khá thông minh. Hằng ngày ông cắp sách đến nghe giảng, tập viết, làm văn ở lớp học mở tại nhà ông Tư vụ Phan Khắc Khải người cùng làng. Thấy Trần Kỳ Phong có tư chất thông minh, ham học Phan Khắc Khải xin ông về làm con nuôi để ông vừa giúp đỡ công việc gia đình, vừa có điều kiện học hành. Năm Mậu Tí (1888), Trần Kỳ Phong thi đậu tú tài. Năm 1889, ông rời quê hương đến dạy học ở gia đình họ Nguyễn, thôn Lệ Thủy (nay thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) và kết hôn với con gái của gia đình này.

Trần Kỳ Phong lớn lên trong cảnh đất nước ta đã bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ. Ở Quảng Ngãi, mặc dù cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình không thành công (1885), song cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân và sĩ phu Quảng Ngãi trong đó có Trần Kỳ Phong vẫn tiếp tục âm ỉ.

Trong những năm 1895 – 1896, Trần Kỳ Phong đã tham gia cuộc vận động chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương do Trần Du lãnh đạo. Thất bại của Trần Du đã đánh dấu việc chấm dứt phong trào đấu tranh chống Pháp theo danh nghĩa Cần Vương ở Quảng Ngãi. Các nhà yêu nước Quảng Ngãi, trong đó có Trần Kỳ Phong cũng như cả nước ta lúc đó đang đi tìm một con đường cứu nước mới.

Sau khi phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi thất bại, Trần Kỳ Phong phải tạm thời ngừng hoạt động, chờ thời cơ. Điều đáng chú ý ở ông là mặc dù xuất thân từ một nhà nho yêu nước, tham gia hoạt động chống Pháp vào giai đoạn cuối của phong trào Cần Vương, nhưng Trần Kỳ Phong không mang nặng tư tưởng “trung quân ái quốc”, trái lại ông nhiều lần đả kích chế độ phong kiến và bọn vua quan nhà Nguyễn.

“Nước mất, vua còn, rồng mắc cạn;

Dân gầy, quan béo, cá long lờ”

Điều này chứng tỏ Trần Kỳ Phong tham gia phong trào Cần Vương nhằm thực hiện hoài bão chống Pháp cứu nước của ông trong khi chưa có con đường nào khác. Và cũng do hiểu rõ bản chất của bọn quan lại phong kiến ở Quảng Ngãi đã “dâng thành cho Tây để mưu cầu vinh hoa, phú quý”, nên khi có phương hướng cứu nước mới, ông dễ dàng từ bỏ con đường cứu nước theo ngọn cờ Cần Vương.

Đầu thế kỉ XX tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây bắt đầu du nhập vào nước ta, các sĩ phu yêu nước ở Quảng Ngãi đã nhanh chóng tiếp thu được trào lưu tư tưởng mới này.

Năm 1906, Hội Duy Tân ở Quảng Ngãi được thành lập do Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan lãnh đạo. Trần Kỳ Phong đã sớm tham gia phong trào Duy Tân ở tỉnh nhà và trở thành một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc. Ông cũng là một trong những người lãnh đạo quan trọng nhất của tỉnh có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với quần chúng. Ngoài việc tổ chức công tác tuyên truyền trong tỉnh, ông còn giữ mối liên lạc với phong trào yêu nước ở các tỉnh bạn và với Phan Bội Châu.

Cuối năm 1906, Trần Kỳ Phong cùng Lê Đình Cơ đi gặp Phan Bội Châu tại Quảng Đông, nhận chỉ thị của Phan Bội Châu và mang một số tài liệu như “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư”…để làm tài liệu về Quảng Ngãi, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào của Hội Duy Tân.

            Năm 1908, khi phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Quảng Ngãi, Trần Kỳ Phong đã tham gia lãnh đạo phong trào. Ông cùng với Lê Ngung được hội Duy Tân ở Quảng Ngãi cử đi bắt liên lạc với phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam. Sau khi phong  trào chống sưu thuế bị thất bại, thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man những người yêu nước. Trần Kỳ Phong bị tòa án Nam triều Quảng Ngãi kết án tử hình vắng mặt vì ông là “một lãnh tụ của phong trào Duy Tân, chống sưu thuế”. Không trốn sang Trung Quốc được, Trần Kỳ Phong và Lê Ngung trở về Quảng Nam. Ngày 23/10/1908, Trần Kỳ Phong bị bắt tại nhà ông Bá Mai ở làng Thanh Châu, gần Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).

Ngày 18/5/1909, tòa án Nam triều (khâm phái) đã xem xét lại bản án của tòa án Nam triều Quảng Ngãi trước đây kết án tử hình vắng mặt Trần Kỳ Phong (1908) và giảm án xuống chỉ kết tội ông “xúi giục hạt dân xin thuế làm bậy, có mang theo giấy ngụy phiến hoặc xin chiếu luật “tạo yêu thư, yêu ngôn”, xử trảm giam hậu, phát giao Côn Lôn”.

Ngày 1/12/1913, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut lại kí  lệnh xử trảm giam hậu Trần Kỳ Phong thành án 13 năm tù khổ sai tại nhà tù Côn Đảo.

Những năm tháng ở nhà tù Côn Đảo là thời gian xuất hiện nhiều biến động trong tư tưởng của Trần Kỳ Phong. Thật vậy, Côn Đảo là nơi thực dân Pháp giam cầm những người Việt Nam yêu nước mà chúng xem là nguy hiểm nhất. Trong số những người tù chính trị ở Côn Đảo lúc ấy, họ có nhiều quan điểm, nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí còn đối lập nhau. Do đó những cuộc tranh luận về con đường cứu nước thường xảy ra trong ngục tù, có lúc rất gay gắt, nhất là sau khi Phan Châu Trinh từ Côn Đảo về Nam Kỳ, rồi sang Pháp.

Trần Kỳ Phong đã tham gia tích cực vào những cuộc tranh luận này và tỏ ý không tán thành chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ” của Phan Tây Hồ. Quan điểm của ông được thể hiện trong trong bài thơ tiễn các ông Ngọc Tiều (Võ Hoành) và Đông  Đường ra tù trong đó có câu:

“Cứu nước thuở nay nhờ sắt cứng,

Phá nhà khổ nỗi thiếu vàng ròng”

Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm chống Pháp cứu nước và mong chờ của ông về  những những người trung kiên, gan dạ. Đây là lần đầu tiên qua thơ văn, Trần Kỳ Phong bày tỏ quan điểm của ông về phương pháp đấu tranh cứu nước, chỉ có dùng bạo lực, khởi nghĩa vũ trang mới có thể đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước, khôi phục lại độc lập, chủ quyền dân tộc. Và trong thực tế ông đã thể hiện bằng hành động khi tham gia cuộc vận động khởi nghĩa của Trần Du vào những năm 1895 – 1896. Tiếp đó, trong phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi, Trần Kỳ Phong cũng hướng theo tư tưởng bạo động của Phan Bội Châu và tìm cách liên lạc với phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám để hỗ trợ cho nhau trong cả nước.

Tại nhà tù Côn Đảo, Trần Kỳ Phong đã cũng với các tù chính trị như Lê Huân, Tú Kiên, Cửu Cai, Huỳnh Thúc Kháng…thành lập tổ chức “Phục Việt”. Mục đích của hội là tìm cách tổ chức cho các đồng chí của mình vượt ngục để được tự do tiếp tục tuyên truyền cách mạng, đánh đổ thực dân Pháp.

Từ thực tiễn phong trào chống Pháp của nhân dân ta trong 20 năm đầu thế kỉ XX, Trần Kỳ Phong đã xem lại đường lối cứu nước mà ông đã theo đuổi cùng với phương pháp mà ông đã hành động. Từ đó ông đã nhận thức rõ sự bất lực của con đường cứu nước trước đây. Vì vậy, Trần Kỳ Phong đã suy ngẫm về một con đường cứu nước mới sau khi ông ra tù.

Khi ra khỏi tù, ông bắt tay ngay vào hoạt động. Dưới danh nghĩa làm nghề thầy thuốc, Trần Kỳ Phong đã tập hợp một số thanh niên yêu nước để bề ngoài dạy cho họ phương pháp chữa bệnh cứu người, song về thực chất là ông bồi dưỡng, rèn luyện tinh thần yêu nước chống Pháp, chờ đợi thời cơ mới.

Từ năm 1924, Trần Kỳ Phong bắt đầu liên lạc, tiếp xúc được với nhiều nhà yêu nước trong tỉnh như Trương Quang Cận, Phạm Cao Đàm, Nguyễn Nghiêm…Chính trong thời gian này, chủ nghĩa Mác – Lênin bắt đầu được truyền bá vào Quảng Ngãi thông qua các sách báo chữ Hán mà thanh niên, học sinh tiến bộ đang học ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn mang về như: “Mã Khắc Tư chủ nghĩa”, “Liệt ninh chủ nghĩa”…Trần Kỳ Phong đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua việc tiếp xúc với loại tài liệu này. Điều đó thể hiện trong bài thơ “Gặp phong trào mới” do ông sáng tác vào năm 1926 trong đó có câu “Nẫm kĩ tân trào Mã Khắc Tư”, tạm dịch:

“Vang rền thế kỉ hai mươi,

 Vui sao làn sóng Mã Khắc Tư dâng trào”

Trong thời gian này, Trần Kỳ Phong đã thành lập một tổ chức mang tên “Tân Việt Đảng” gồm 60 thanh niên yêu nước. Đến giữa năm 1926, một số học sinh, thanh niên yêu nước ở Quảng Ngãi đã liên lạc được với “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” và trở về tỉnh hoạt động theo đường lối của tổ chức này. Phong trào yêu nước của Quảng Ngãi trở nên rầm rộ hơn, đặc biệt khi Nguyễn Thiệu với danh nghĩa là đại diện là Tổng bộ Thanh niên, phụ trách Kì bộ Trung Kỳ, về Quảng Ngãi tuyên truyền và tổ chức xây dựng cơ sở của Hội. Năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Ngãi được thành lập.

Trần Kỳ Phong không tham gia tổ chức cách mạng mới, có lẽ vì ông đã quá tuổi thanh niên, song ông vẫn hết lòng ủng hộ tinh thần và vật chất cho tổ chức Thanh niên hoạt động. Ông chu cấp tiền bạc, chi phí cho các lớp huấn luyện của Hội, làm thơ ca tuyên truyền cách mạng. Mật thám Trung Kỳ đã theo dõi những hoạt động của ông và khẳng định: “Trần Kỳ Phong đã sử dụng nhà mình làm trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Ngãi”.

Các Hội viên Thanh niên đều là học sinh, người thân của Trần Kỳ Phong, họ rất yêu mến và kính trọng ông nên thường xuyên trò chuyện trao đổi tư tưởng với ông. Nhờ vậy, nhận thức về tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin của  Trần Kỳ Phong cũng được sâu sắc và có hệ thống hơn, thể hiện qua các bài thơ mà ông sáng tác lúc bấy giờ như bài “Hợp sức đấu tranh”. Ông cho rằng muốn đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại nền độc lập dân tộc, nhân dân ta phải “làm cách mạng”, phải “xoay trời”, “lấp bể” để “kéo mây xuân về vũ trụ”, cần phải đem “máu nóng tưới non sông”.

Tháng 8/1929, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Ngãi bị địch phá vỡ. Hai mươi Hội viên Thanh niên trong đó có nhiều người lãnh đạo như Trương Quang Trọng, Hồ Độ…bị bắt và kết án từ 9 tháng đến 1năm tù, theo Điều 223, Luật An Nam. Riêng Trần Kỳ Phong cũng bị kết án 11 tháng vì tội có liên quan tới tổ chức này. Ngày 25/1/1930, vì không tìm được chứng cứ nên Khâm sứ Trung Kỳ đã quyết định xóa bản án đối với Trần Kỳ Phong.

Tháng 3/1930, nghe tin Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, Trần Kỳ Phong làm bài thơ “Giang sơn là quý, chi chi chẳng màng” để chào mừng ngày Đảng bộ ra đời. Trong bài thơ này, ông ca ngợi chế độ tốt đẹp ở Liên Xô sau khi cách mạng tháng Mười thành công và cho rằng đây là hình ảnh tương lai của nước Việt Nam sau khi giành được độc lập. Ông kêu gọi mọi người hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với lời lẽ thiết tha, chân thực, tư tưởng đúng đắn, bài thơ đã có sức thuyết phục nên được Tỉnh ủy Quảng Ngãi sử dụng làm tài liệu tuyên truyền, cổ động trong cao trào 1930 – 1931. Có thể nói rằng, bài thơ đã đánh dấu bước tiến mới trong nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin của Trần Kỳ Phong và ông đã tiếp nhận một cách tự giác quan điểm cách mạng này, mặc dù ông không đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, với khả năng và sức lực của mình, Trần Kỳ Phong liên tục tham gia hoạt động trong phong trào dân tộc dân chủ do Đảng ta lãnh đạo trong những năm 1933 – 1935, ông đã đồng tình và hết sức giúp đỡ cho con trai là Trần Kỳ Sam và nhiều học trò của mình tham gia đấu tranh.

Năm 1936 Trần Kỳ Phong tích cực tham gia phong trào dân tộc dân chủ (1936 – 1939) của Đảng bộ Quảng Ngãi. Tháng 3 – 1937, ông dẫn đầu đoàn đại biểu do Đảng bố trí đi đón Gôđa. Ông đã thay mặt các tầng lớp nhân dân trình bày nỗi thống khổ của người dân xứ thuộc địa Pháp với Gôđa và đưa bản yêu sách có hàng vạn chữ kí của quần chúng trong tỉnh. Trong phong trào Đông Dương đại hội, ông là người tuyên truyền, chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương của Đảng.

Sau hoạt động này, Trần Kỳ Phong đã bị mật thám Pháp và tay sai theo dõi nghiêm ngặt hơn. Nhận xét về Trần Kỳ Phong bọn mật thám Pháp ở Trung Kỳ chỉ rõ: “Trong hầu hết các phong trào cách mạng nổ ra ở Quảng Ngãi đều có tên ông Trần Kỳ Phong, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn không rời vũ khí….Biết mình bị theo dõi,  Trần Kỳ Phong  hoạt động trong bóng tối, nhưng ông ta vẫn tìm cách phát huy vai trò của mình đối với quần chúng”.

Ngày 26/12/1941, Trần Kỳ Phong từ trần tại thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thọ 69 tuổi. Mặc dù lúc đó, thực dân Pháp đang thẳng tay khủng bố dã man phong trào cách mạng Việt Nam nhưng đám tang của Trần Kỳ Phong vẫn thu hút hơn 500 người tham dự, bọn mật thám ở Quảng Ngãi phải hốt hoảng kêu lên: “Trần Kỳ Phong, một nhân vật rất nguy hiểm, lúc sống là mối lo của nhà nước, khi chết lại là cái cớ tuyên truyền của cộng sản”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Trần Kỳ Phong trong hơn nửa thế kỉ qua đã gắn liền với những thay đổi lớn lao trong phong trào yêu nước chống Pháp, giành độc lập dân tộc. Ông là hình ảnh cụ thể về tinh thần, ý chí đấu tranh quyết liệt của nhân dân Quảng Ngãi và là nhân vật điển hình cho những bước chuyển về tinh thần yêu nước của một số sĩ phu tiến bộ ở Quảng Ngãi trên con đường đấu tranh chống Pháp.

Trần Kỳ Phong không chỉ có tác động mạnh mẽ trong việc góp phần đào tạo một thế hệ cách mạng trẻ tuổi, tiên tiến ở Quảng Ngãi (phần lớn là học trò và những người chịu ảnh hưởng tư tưởng của ông lúc bấy giờ) mà còn để lại cho con cháu đời sau một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nhiệt thành, về lòng tin tưởng vào tiền đồ sáng lạn của đất nước và cách mạng, về lối sống trong sạch và thủy chung. Trước khi chết, Trần Kỳ Phong còn dặn dò học trò thân tín của ông phải đi theo con đường cứu nước đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc.

Với những hoạt động tích cực của mình, Trần Kỳ Phong được xem là người đầu tiên truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin vào vùng đất Quảng Ngãi, là người có công khai sáng vùng quê nghèo dưới ánh sáng của cách mạng tháng Mười Nga. Ông thực sự xứng đáng là một nhà yêu nước tiêu biểu của Quảng Ngãi, và mãi mãi được nhân dân quê hương núi Ấn sông Trà ca ngợi và học tập.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét